Ngày 18/10/2013 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013. Thông tư này quy định và hướng dẫn thực hiện Khoản 4 Điều 150 Bộ Luật Lao động về điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; xây dựng chương trình khung huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động; danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Theo đó đối tượng huấn luyện an toàn vệ sinh lao động được quy định thành 4 nhóm:
*Nhóm 1:
Đối tượng là người làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp, hợp tác xã; chủ hộ kinh doanh cá thể; chủ hộ gia đình có sử dụng lao động; thủ trưởng và cấp phó các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Thời gian phải tham gia huấn luyện lần đầu ít nhất là 16 giờ, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp Chứng nhận huấn luyện có thời hạn 2 năm. Huấn luyện định kỳ 2 năm/1 lần với thời gian ít nhất 8 giờ.
* Nhóm 2:
Đối tượng là cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về AT-VSLĐ của cơ sở; người làm công tác quản lý kiêm phụ trách công tác AT-VSLĐ. Thời gian phải tham gia huấn luyện lần đầu ít nhất là 48 giờ, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp Chứng chỉ huấn luyện có thời hạn 5 năm. Huấn luyện định kỳ 2 năm/ 1 lần với thời gian ít nhất 24 giờ.
* Nhóm 3:
Đối tượng là người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ. Thời gian phải tham gia huấn luyện lần đầu ít nhất là 30 giờ, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp Chứng chỉ huấn luyện có thời hạn 5 năm. Huấn luyện định kỳ 2 năm/ 1 lần với thời gian ít nhất 15 giờ.
* Nhóm 4:
Đối tượng là người lao động không thuộc 3 nhóm nêu trên. Thời gian phải tham gia huấn luyện lần đầu ít nhất là 16 giờ, nếu đạt yêu cầu sẽ được ghi vào sổ theo dõi công tác huấn luyện tại cơ sở. Huấn luyện định kỳ 1 năm/ 1 lần với thời gian ít nhất 8 giờ.
Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động phải chủ động lập kế hoạch huấn luyện, bố trí thời gian và cử cán bộ hoặc lao động tham gia học tại các tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện; chi trả đầy đủ tiền lương và các quyền lợi khác cho các đối tượng thuộc quyền quản lý trong thời gian tham dự huấn luyện theo quy định của pháp luật; thanh toán chi phí huấn luyện và được hạch toán vào chi phí sản xuất. Nếu doanh nghiệp, đơn vị tự tổ chức huấn luyện cho người lao động thuộc nhóm 4 thì phải bảo đảm điều kiện về giảng viên theo từng nội dung huấn luyện, đồng thời phải xây dựng chương trình huấn luyện chi tiết trên cơ sở chương trình khung và điều kiện thực tế trình Sở Lao động – TB&XH thẩm định, phê duyệt trước khi thực hiện.