Xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại doanh nghiệp.
Một tiêu chí thiết yếu có thể chi phối đến sự thành bại của bất kỳ một hệ thống quản lý nào đó là công tác tổ chức bộ máy và phân định rõ trách nhiệm đối với tất cả Người lao động liên quan. Trong một chương trình quản lý an toàn, vệ sinh lao động, nếu giao trách nhiệm cho một cá nhân hoặc một nhóm nào đó thì những người khác sẽ có xu hướng phát sinh thái độ ỷ lại. Do đó quan trọng nhất là phải để tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm của riêng mình. Qua đó hình thành một mạng lưới “trách nhiệm” trong việc thiết lập, vận hành, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý an toàn – vệ sinh lao động.
Việc tổ chức bộ máy và phân định trách nhiệm này tại doanh nghiệp sẽ có những điểm không tương đồng, phần lớn là tới từ sự khác biệt trong bối cảnh của mỗi doanh nghiệp (về nguồn lực, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tài chính, văn hóa…) và sau đó là từ sự khác nhau trong mức độ áp dụng các chính sách pháp luật, hoặc tiêu chuẩn của khách hàng. Tuy nhiên, dưới góc độ hệ thống quản lý và hệ thống chính sách pháp luật thì cơ bản việc tổ chức bộ máy và phân định trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động sẽ bao gồm (nhưng không giới hạn):
1. Hội đồng An toàn – vệ sinh lao động ở cơ sở (sau đây gọi tắt là AT – VSLĐ)
Hội đồng AT – VSLĐ ở cơ sở là tổ chức được thiết lập nhằm phối hợp, tư vấn về các hoạt động thực hiện AT – VSLĐ tại cơ sở lao động và đồng thời là để đảm bảo quyền được tham gia và kiểm tra, giám sát về công tác quản lý AT – VSLĐ của tổ chức công đoàn. Được thành lập dựa trên quy định tại điều 75, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 và được hướng dẫn tại điều 38, Nghị định 39/2016/NĐ-CP. Theo đó:
Người sử dụng lao động phải thực hiện thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động lao động cơ sở khi là một trong các trường hợp sau đây:
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực, ngành nghề quy định tại Khoản 1, Điều 36, Nghị định 39/2016/NĐ-CP và sử dụng từ 300 người lao động trở lên;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với cơ sở sản xuất, kinh doanh quy định tại Khoản 1, Điều 36, Nghị định 39/2016/NĐ-CP và có sử dụng từ 1.000 người lao động trở lên;
- Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác với cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nêu ở trên thì khuyến khích thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động nếu thấy cần thiết và đủ Điều kiện để hoạt động.
Về số lượng thành viên của Hội đồng AT – VSLĐ thì tùy thuộc vào số lượng lao động và quy mô của doanh nghiệp và phải đảm bảo các quy định sau:
- Đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ) làm Chủ tịch Hội đồng;
- Đại diện của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động (NLĐ) nơi chưa có tổ chức công đoàn làm Phó chủ tịch Hội đồng;
- Trưởng bộ phận hoặc người làm công tác an toàn – vệ sinh lao động (AT – VSLĐ) của doanh nghiệp là ủy viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng. Trong trường hợp nếu người làm công tác AT – VSLĐ là hợp đồng thuê từ tổ chức khác thì ủy viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng sẽ do NSDLĐ chỉ định;
- Uỷ viên khác bao gồm Người làm công tác y tế cơ sở và các thành viên khác có liên quan.
Nhiệm vụ chính của Hội đồng này chủ yếu bao gồm:
- Thực hiện tham gia tư vấn đối với NSDLĐ và phối hợp các hoạt động trong việc xây dựng quy chế quản lý, chương trình hành động, kế hoạch AT – VSLĐ và các biện pháp AT – VSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) của doanh nghiệp;
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện công tác AT – VSLĐ tại cơ sở với tần suất định kỳ 6 tháng và hằng năm. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện thấy nguy cơ mất an toàn, có quyền yêu cầu NSDLĐ thực hiện các biện pháp nhằm loại trừ nguy cơ đó.
- Hằng năm, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động; nâng cao sự hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
2. Tổ chức bộ phận an toàn và chức năng, nhiệm vụ của bộ phận an toàn
2.1. Tổ chức bộ phận an toàn hoặc cán bộ an toàn, vệ sinh lao động
Từng cơ sở kinh doanh phải tổ chức bộ phận an toàn hoặc cán bộ đảm nhận công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động theo điều 72, Luật an toàn – vệ sinh lao động và một số hướng dẫn thi hành chi tiết theo điều 36, Nghị định 39/2016/NĐ-CP. Theo đó, căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc thành lập bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở và lựa chọn khung năng lực của cán bộ an toàn phù hợp. Như sau:
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim, thi công công trình xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất, truyền tải và phân phối điện, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 50 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 50 đến dưới 300 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố trí ít nhất 02 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng sử dụng trên 1.000 người lao động phải thành lập phòng an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 03 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với lĩnh vực, ngành nghề đã nêu ở phía trên, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 300 người lao động, phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng sử dụng trên 1.000 người lao động, phải thành lập phòng an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 2 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách.
Trong đó, tiêu chuẩn về khung năng lực cán bộ an toàn chuyên trách, phải đáp ứng được một trong các điều kiện sau đây:
- Có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở;
- Có trình độ cao đẳng thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở;
- Có trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp làm các công việc kỹ thuật; có 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
Đồng thời, tiêu chuẩn về năng lực cán bộ an toàn bán chuyên trách, phải đáp ứng được một trong các điều kiện sau đây:
- Có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật;
- Có trình độ cao đẳng thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở;
- Có trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp làm các công việc kỹ thuật; có 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
2.2. Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận an toàn, vệ sinh lao động
Tùy vào cơ cấu tổ chức và bối cảnh của cơ sở kinh doanh mà chức năng, nhiệm vụ của bộ phận an toàn cũng có những sự khác nhau. Tuy nhiên, về bản chất thì xoay quanh 2 chức năng chính, bao gồm:
- Tham mưu, tư vấn cho người sử dụng lao động trong các hoạt động liên quan tới chuyên môn quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tại doanh nghiệp.
- Tổ chức thực hiện, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường.
Về nhiệm vụ, có thể nhắc tới những nội dung chủ yếu sau:
- Quản lý, điều hành các hoạt động chuyên môn của bộ phận quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường của doanh nghiệp.
- Chịu trách nhiệm trước người sử dụng lao động về công tác quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường.
- Xây dựng và thường xuyên cải tiến hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu pháp luật và các yêu cầu khác.
- Thiết lập mục tiêu, kế hoạch quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường hằng năm.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch quản lý an toàn, sức khỏe nghề ngiệp và môi trường.
- Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho tất cả cán bộ công nhân viên và người lao động tại nơi làm việc.
- Tổ chức thi đua, khen thưởng, xử lý kỷ luật và các hoạt động cổ vũ khác nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường.
- Quản lý và theo dõi việc khai báo, kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
- Phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ sở hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.
- Chủ trì, phối hợp bộ phận y tế tổ chức giám sát, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và tình hình quản lý sức khỏe nghề nghiệp;
- Phối hợp với các bộ phận liên quan trong việc mua sắm phương tiện bảo hộ lao động cá nhân, vật tư, thiết bị hỗ trợ cho công tác đảm bảo an toàn.
- Tổng hợp và đề xuất với cấp lãnh đạo để giải quyết kiến nghị của đoàn thanh tra, kiểm tra và người lao động về công tác an toàn – sức khỏe nghề nghiệp và môi trường.
- Tổ chức điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
- Định kỳ thống kê và báo cáo công tác an toàn – vệ sinh lao động cho cấp lãnh đạo và các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật.
- Cập nhật và phổ biến các văn bản pháp luật liên quan tới quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường.
2.3. Quyền hạn của bộ phận an toàn, vệ sinh lao động
- Kiểm tra và yêu cầu trưởng bộ phận/dự án tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo sự vận hành hiệu quả của hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tại các bộ phận/dự án quản lý.
- Đình chỉ hoạt động thi công/sản xuất, máy, thiết bị nếu phát hiện các nguy cơ xảy ra sự cố hoặc không đáp ứng được tiêu chuẩn liên quan của công ty và yêu cầu trưởng bộ phận/dự án và các bên liên quan thực hiện các biện pháp khắc phục trước khi cho phép làm việc trở lại.
- Tham gia điều tra, thống kê, báo cáo và quản lý hồ sơ các vụ tai nạn lao động theo quy định pháp luật.
- Tham dự các cuộc họp giao ban, sơ kết, tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh và kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động.
- Được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham dự lớp huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh không tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động theo quy định thì phải thuê các tổ chức có đủ năng lực theo quy định của pháp luật.
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là yêu cầu bắt buộc được Nhà nước và Bộ Lao động thương binh và xã hội quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP và Nghị định 140/2018/NĐ-CP rằng người sử dụng lao động chịu trách nhiệm tổ chức huấn luyện an tàn vệ sinh lao động cho người lao động.
Với những thông tin hữu ích trên, chúng tôi tin rằng các bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời với các khóa học tại KIỂM ĐỊNH THÀNH PHỐ.
Thông tin đăng kí khóa học:
CÔNG TY CP KIỂM ĐỊNH AN TOÀN THIẾT BỊ CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ.
Địa chỉ: 331/70/103 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM.
Điện thoại: 0898122456 – 028 3831 4194
Email: kiemdinhthanhpho.net@gmail.com
Website: www.kiemdinhthanhpho.net