Quy trình kiểm định cáp treo chở người Reviewed by Momizat on . [caption id="attachment_1772" align="alignnone" width="261"] kiểm định an toàn cáp treo[/caption] Quy trình kiểm định cáp treo chở người Ban hành theo thông tư [caption id="attachment_1772" align="alignnone" width="261"] kiểm định an toàn cáp treo[/caption] Quy trình kiểm định cáp treo chở người Ban hành theo thông tư Rating: 0
You Are Here: Home » CHUYÊN ĐỀ KIỂM ĐỊNH AN TOÀN » Quy trình kiểm định cáp treo chở người

Quy trình kiểm định cáp treo chở người



kiểm định an toàn cáp treo

kiểm định an toàn cáp treo

Quy trình kiểm định cáp treo chở người
Ban hành theo thông tư 01/2010/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 01 năm 2010
QUY TRÌNH KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN HỆ THỐNG CÁP TREO CHỞ NGƯỜIMỤC 1. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNGQuy trình này quy định các yêu cầu, trình tự kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống cáp treo chở người và áp dụng với các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn khi kiểm định các Hệ thống cáp treo chở người.Việc kiểm định phải được thực hiện trong những trường hợp sau:- Sau khi lắp đặt, trước khi đưa vào sử dụng.

– Sau khi tiến hành cải tạo sửa chữa trung tu và đại tu.

– Sau khi thiết bị xảy ra sự cố dẫn đến tai nạn, sự cố nghiêm trọng và đã khắc phục xong;

– Hết hạn kiểm định hoặc trước thời hạn theo đề nghị của cơ sở quản lý, khai thác sử dụng hệ thống cáp treo.

– Theo yêu cầu của cơ quan Thanh tra Nhà nước về lao động trong quá trình thanh tra, điều tra tai nạn lao động.

Các tổ chức và cá nhân quản lý, khai thác sử dụng hệ thống cáp treo chở khách có trách nhiệm phối hợp với tổ chức kiểm định theo quy định của pháp luật.

MỤC 2. TIÊU CHUẨN VIỆN DẪN

Các tiêu chuẩn viện dẫn trong quy trình này, bao gồm:

– TCVN 4244 – 2005: Thiết bị nâng – Thiết kế chế tạo và kiểm tra kỹ thuật.

– TCXD 170 – 89: Nghiệm thu kếu cấu thép.

– QCXDVN 05:2008/BXD: Quy chuẩn xây dựng Việt Nam – Nhà ở và công trình công cộng: An toàn sinh mạng và sức khỏe.

– TCVN 5638:1991 Nghiệm thu thiết bị đã lắp đặt xong. Nguyên tắc cơ bản.

– TCXD 79:1980 Thi công và nghiệm thu các công tác nền móng.

– Tiêu chuẩn Quốc gia Trung Quốc: GB12352-90, JBJ32-96.

– BS EN 12927-6:2004-Safety requirements for cableway installations designed to carry persons – Ropes – Part 6: Discard criteria (Các yêu cầu an toàn đối với đường cáp treo được thiết kế, lắp đặt để chở người – dây cáp – phần 6: các tiêu chuẩn loại bỏ).

– BS EN 12927-7:2004-Safety requirements for cableway installations designed to carry persons – Ropes – Part 7: Inspection, repair and maintenance (Các yêu cầu an toàn đối với đường cáp treo được lắp đặt để chở người – dây cáp – phần 7: kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng).

Các tiêu chuẩn xây dựng (TCXD) nêu tại mục này nếu được chuyển đổi thành các Tiêu chuẩn Việt Nam hoặc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ áp dụng theo văn bản mới.

Được phép thực hiện kiểm định theo một tiêu chuẩn khác với điều kiện không có các chỉ tiêu kỹ thuật/quy định kỹ thuật trái với các quy định của quy trình này.

MỤC 3. THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA

Trong tài liệu này sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa sau đây:

1. Hệ thống cáp treo chở khách bao gồm:

– Hệ thống cáp treo hoạt động theo chu trình không tuần hoàn (cáp tải không chuyển động, cabin di chuyển trên cáp chịu tải nhờ cáp kéo).

– Hệ thống cáp treo hoạt động theo chu trình tuần hoàn (cáp tải chuyển động, cabin di chuyển nhờ chuyển động của cáp tải).

Thuật ngữ này không bao gồm đường cáp lên xuống hầm mỏ và đường cáp phục vụ cho các công tác chuyên dùng.

2. Tải danh định: là tải trọng tính cho một người, gồm các mức 90kg, 80kg và 75kg.

3. Tải mẫu: là vật thể có hình dáng kích thước phù hợp để thử tải, có mức tải trọng bằng 100% hoặc 110% tải danh định.

4. Kiểm định lần đầu: là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của cáp treo sau lắp đặt, trước khi đưa vào khai thác sử dụng.

5. Kiểm định định kỳ: là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của cáp treo định kỳ khi đến thời hạn kiểm định.

6. Kiểm định bất thường: là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của cáp treo khi:

– Sau khi tiến hành cải tạo sửa chữa trung tu và đại tu.

– Sau khi thiết bị xảy ra sự cố dẫn đến tai nạn, sự cố nghiêm trọng và đã khắc phục xong;

– Yêu cầu của cơ quan Thanh tra Nhà nước về lao động.

– Yêu cầu của cơ sở quản lý, khai thác sử dụng.

7. Người chứng kiến: là người được cơ sở quản lý, khai thác sử dụng cử ra để chứng kiến các hoạt động kiểm định của các kiểm định viên trong quá trình kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống cáp treo chở người của cơ sở.

MỤC 4. CÁC BƯỚC KIỂM ĐỊNH

Khi tiến hành kiểm định lần đầu, định kỳ hay bất thường, tổ chức kiểm định phải tiến hành lần lượt theo các bước sau:

1. Kiểm tra hồ sơ, tài liệu kỹ thuật.

2. Kiểm tra bên ngoài.

3. Kiểm tra kỹ thuật và thử không tải.

4. Kiểm tra thử tải.

5. Kiểm tra cứu hộ.

6. Xử lý kết quả kiểm định.

MỤC 5. PHƯƠNG TIỆN KIỂM ĐỊNH  

Các phương tiện kiểm định phải phù hợp với đối tượng kiểm định, phải trong thời hạn được kiểm định hoặc hiệu chuẩn còn hiệu lực và có độ chính xác phù hợp với quy định của cơ quan chức năng có thẩm quyền bao gồm những loại sau:

1. Thiết bị kiểm tra tải trọng (cân, lực kế)

2. Dụng cụ đo kích thước (thước cặp, dưỡng kiểm tra các loại, thước lá, thước mét, máy đo khoảng cách…).

3. Thiết bị trắc đạc (Máy kinh vĩ).

4. Thiết bị đo vận tốc

5. Thiết bị đo điện (đo điện trở cách điện, thiết bị đo điện trở tiếp đất, thiết bị đo dòng, điện áp…).

6. Các thiết bị đo kiểm chuyên dùng khác.

MỤC 6. ĐIỀU KIỆN KIỂM ĐỊNH

Khi tiến hành kiểm định, hệ thống cáp treo phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý, kỹ thuật trong chế tạo, cải tạo, sửa chữa, đại tu, lắp đặt, sử dụng quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật và có các hồ sơ kỹ thuật quy định tại khoản 3 mục 7 của quy trình này. 

MỤC 7. CHUẨN BỊ KIỂM ĐỊNH

1. Thống nhất kế hoạch kiểm định, công việc chuẩn bị và phối hợp giữa đơn vị sử dụng thiết bị, nhà chế tạo, đơn vị lắp đặt đường cáp treo chở khách về các quy trình, biện pháp an toàn trong suốt quá trình kiểm định thiết bị.

2. Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho kiểm định viên và những người tham gia.

3. Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật.

Kiểm tra các mục sau:

– Lý lịch của cả hệ thống.

– Sơ đồ của toàn tuyến cáp, nhà ga bao gồm các thông số kỹ thuật kỹ thuật cơ bản.

– Hồ sơ nghiệm thu, chạy thử toàn bộ hệ thống:

+ Hồ sơ thi công móng cho các cột đỡ cáp.

+ Chứng chỉ xuất xưởng/chất lượng của cáp.

+ Chứng chỉ về vật liệu của các chi tiết chịu lực chính như cột đỡ cáp, thanh giằng.

+ Chứng chỉ kiểm tra mối hàn của các chi tiết chịu lực chính (kiểm tra không phá hủy NDT, kiểm tra bằng mắt).

+ Các bản vẽ lắp đặt, sửa chữa, cải tạo đường cáp treo chở khách.

+ Các quy trình hướng dẫn sử dụng và bảo trì của nhà chế tạo.

+ Các kết quả kiểm tra các thông số an toàn của hệ thống chống sét, hệ thống nối đất thiết bị điện theo thiết kế.

+ Biên bản thử vận hành toàn hệ thống.

– Hồ sơ về quản lý sử dụng, vận hành, bảo dưỡng và kết quả các lần đã kiểm định trước (nếu có).

– Việc thực hiện các kiến nghị của các lần thanh tra, kiểm tra, kiểm định trước (nếu có).

4. Chuẩn bị đầy đủ các thiết bị và phương tiện để xác định các thông số kỹ thuật an toàn cho quá trình kiểm định.

MỤC 8. TIẾN HÀNH KIỂM ĐỊNH. 

Khi tiến hành kiểm định, tổ chức kiểm định phải tiến hành theo các bước sau:

1. Kiểm tra bên ngoài.

1.1. Kiểm tra tổng quát toàn bộ hệ thống (kiểm tra điều kiện hoạt động của toàn bộ hệ thống).

1.2. Kiểm tra sự phù hợp phần kết cấu và thiết bị đường cáp theo hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ thiết kế thi công.

– Kiểm tra phần móng, các trụ đỡ và liên kết giữa chúng.

– Kiểm tra phương tiện tiếp cận (thang, sàn thao tác…).

– Kiểm tra độ nghiêng của cột đỡ.

– Kiểm tra cao trình các cột đỡ.

– Kiểm tra sai số lắp đặt của đường chạy của cáp.

– Kiểm tra thiết bị dẫn cáp.

– Kiểm tra cụm đỡ cáp (hoặc cụm bánh ép cáp).

1.3. Kiểm tra cáp thép.

– Kiểm tra mối nối cáp (số lượng mối nối, chiều dài mối nối, độ tăng đường kính tại mối nối.

– Kiểm tra các thông số của cáp (loại cáp, độ mòn, số sợi đứt trên một bước cáp…). Tiêu chuẩn loại bỏ cáp theo tiêu chuẩn của nhà chế tạo hoặc BS EN 12927-6: 2004.

– Kiểm tra các vỏ côn liên kết cáp (Đối với cáp không tuần hoàn, kiểm tra lần đầu phải tiến hành phép thử kéo phá hủy cho mẫu liên kết vỏ côn – cáp thép cùng công nghệ, kiểm tra việc đánh số hiệu trên mỗi vỏ côn. Phép thử được xem là đạt yêu cầu khi lực kéo phá hủy liên kết không nhỏ hơn 90% lực kéo phá hủy cáp).

1.4. Kiểm tra cabin chở khách và nhà ga theo yêu cầu của thiết kế.

– Kiểm tra kết cấu cabin chở khách.

– Kiểm tra liên kết giữa cabin và cáp.

– Kiểm tra ghế ngồi của hành khách.

– Kiểm tra cửa cabin và khóa chặn cửa.

– Kiểm tra thiết bị chống lắc đối với cabin.

– Kiểm tra bộ hãm cabin trên cáp tải.

– Kiểm tra sàn đỡ, lối tiếp cận giữa sàn đỡ và cabin.

– Kiểm tra các lan can, biển báo tại nhà ga.

1.5. Kiểm tra hệ thống điện.

– Kiểm tra việc bố trí đường điện.

– Kiểm tra hệ thống nối đất, nối không bảo vệ thiết bị điện.

 – Kiểm tra mạch điều khiển.

– Kiểm tra thiết bị chiếu sáng.

– Kiểm tra mạng thông tin giữa các trạm ga và dọc tuyến cáp.

– Kiểm tra hệ thống chống sét của đường cáp treo.

– Kiểm tra khả năng làm việc của hệ thống điện dự phòng.

1.6. Kiểm tra các trang bị an toàn theo yêu cầu thiết kế.

– Kiểm tra khóa liên động.

– Kiểm tra thiết bị chống trật cáp.

– Kiểm tra hệ thống chỉ, báo tốc độ gió.

– Kiểm tra hệ thống đèn báo cao độ.

– Kiểm tra trang bị chống tĩnh điện.

Kết quả kiểm tra bên ngoài đạt yêu cầu khi không phát hiện các hư hỏng và các dấu hiệu bất thường.

2. Kiểm tra thử không tải

Việc thử không tải chỉ được tiến hành sau khi kiểm tra bên ngoài đạt yêu cầu.

– Thử vận hành từng máy:

Để kiểm tra hệ thống thủy lực, hệ thống bôi trơn, áp suất dầu, nhiệt độ dầu trong phạm vi cho phép.

– Thử vận hành tổ máy.

– Thử vận hành cáp treo: Từ tốc độ chậm tốc độ định mức, kiểm tra hiện tượng nhảy cáp, hãm máy êm, độ tin cậy…

Vận hành toàn bộ hệ thống ít nhất với 03 (ba) chu kỳ hoạt động để đánh giá sự hoạt động so với thiết kế.

Thử không tải được coi là đạt yêu cầu khi các thông số và tính năng của đường cáp treo lúc hoạt động đúng theo thiết kế.

3. Kiểm tra thử tải

Kiểm tra thử tải chỉ được tiến hành sau khi kiểm tra thử không tải đạt yêu cầu và tiến hành theo các bước sau:

3.1. Tải trọng thử mỗi cabin bằng 110% tải định mức mỗi cabin.

Tải định mức: là tải trọng thiết kế tính cho một người quy định như sau:

– Đối với cáp treo có sức chứa 01 (một) người, tải định mức là 90kg/người.

– Đối với cáp treo có sức chứa 02 (hai) người, tải định mức là 80kg/người.

– Đối với cáp treo có sức chứa 03 (ba) người, tải định mức là 75kg/người.

Tải định mức của cabin bằng tải trọng định mức nhân sức chứa.

3.2. Cách đặt tải

– Đối với đường cáp hoạt động theo chu kỳ không tuần hoàn thì tải phải được chất lên toàn bộ cabin vận hành.

– Đối với đường cáp hoạt động theo chu kỳ tuần hoàn có cabin kẹp chặt cố định với đường cáp thì tải phải được chất toàn bộ trên một nhánh của cáp, còn nhánh kia các cabin không tải.

– Đối với đường cáp hoạt động theo chu kỳ tuần hoàn có cabin kẹp nhả với đường cáp thì tải được chất toàn bộ trên một nhánh, còn nhánh kia không có cabin.

3.3. Thử vận hành tốc độ định mức (thử 03 lần) để đánh giá hoạt động của hệ thống

– Thử lên dốc: Vận hành có tải lên dốc đến tốc độ định mức rồi phanh đột ngột hệ thống. Trong quá trình thử, kiểm tra dòng khởi động và dòng làm việc của động cơ; kiểm tra sự kẹp chặt của cabin và cáp; kiểm tra gia tốc hãm (trị số gia tốc hãm từ 0,5 đến 2m/s2).

– Thử xuống dốc: Vận hành có tải xuống dốc đến tốc độ định mức rồi phanh đột ngột hệ thống. Trong quá trình thử, kiểm tra hệ thống phanh làm việc và hệ thống phanh khẩn cấp; kiểm tra dòng điện khởi động và dòng làm việc của động cơ; kiểm tra độ lắc dọc và lắc ngang của cabin so với thiết kế; kiểm tra gia tốc hãm (trị số gia tốc hãm từ 0,5 đến 2m/s2).

Phép thử được coi là đạt yêu cầu khi hệ thống hoạt động ổn định, không có biểu hiện bất thường, các kết cấu chịu lực không có biến dạng dư hay rạn nứt.

4. Kiểm tra thử hệ thống cứu hộ.

– Thử vận hành các hệ thống cứu hộ.

– Hệ thống cứu hộ đưa cabin về ga được thử ở vận tốc vận hành cứu hộ với tải trọng thử là 100% và thực hiện 1/2 vòng tuần hoàn.

Tổng thời gian cứu hộ không quá 3 giờ, kể cả thời gian đưa hành khách về nơi an toàn.

MỤC 9. XỬ LÝ KẾT QUẢ KIỂM ĐỊNH 

1. Lập biên bản kiểm định.

Trong biên bản phải ghi đầy đủ, rõ ràng các thông số kỹ thuật của hệ thống cáp treo chở người, các bước kiểm định theo mẫu quy định tại quy trình này.

2. Thông qua biên bản kiểm định.

Biên bản kiểm định do kiểm định viên lập và phải được thông qua trước các thành viên tham gia và chứng kiến kiểm định.

Biên bản kiểm định phải có đủ chữ ký và đóng dấu của các bên liên quan theo mẫu biên bản kèm theo quy trình này.

3. Ghi tóm tắt kết quả kiểm định vào lý lịch thiết bị (ghi rõ họ tên kiểm định viên, ngày tháng năm kiểm định).

4. Cấp phiếu kết quả kiểm định.

Khi hệ thống cáp treo chở người được kiểm định đạt yêu cầu, cấp phiếu kết quả kiểm định (mẫu Phiếu kết quả kiểm định theo quy định tại Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH ngày 28/2/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và biên bản kiểm định cho cơ sở.

5. Khi hệ thống cáp treo chở người kiểm định không đạt yêu cầu, phải ghi rõ những nội dung không đạt và những kiến nghị cho chủ sở hữu biết và có hướng xử lý phù hợp.

MỤC 10. CHU KỲ KIỂM ĐỊNH

1. Sau mỗi 12 tháng sử dụng, hệ thống cáp treo chở người phải được kiểm định định kỳ ở các chế độ: kiểm tra bên ngoài, thử không tải và thử cứu hộ (theo các khoản 1, 2 và 4, Mục 8 của quy trình này).

2. Sau mỗi 36 tháng sử dụng, hệ thống cáp treo chở người phải được kiểm định định kỳ ở tất cả các chế độ theo quy định tại Mục 8 của quy trình này.

3. Khi rút ngắn chu kỳ kiểm định, kiểm định viên phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định.

 


© 2013 KIỂM ĐỊNH THÀNH PHỐ. NET

0938. 261. 746
Scroll to top