KIỂM ĐỊNH AN TOÀN – HỆ THỐNG ĐIỀU CHẾ VÀ NẠP KHÍ
QUY TRÌNH KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN – HỆ THỐNG ĐIỀU CHẾ VÀ NẠP KHÍ
QTKĐ 07 : 2008/BLĐTBXH
(Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống điều chế và nạp khí do Cục An toàn lao động biên soạn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành theo Quyết Định số 67/2008/BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2008)
1. Phạm vi áp dụng
Quy trình này quy định về trình tự, thủ tục kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu, định kỳ và bất thường các hệ thống điều chế (hoặc tồn trữ) khí, khí hoá lỏng, khí hoà tan (sau đây gọi chung là hệ thống điều chế, nạp khí) nạp vào các bình, chai quy định theo Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành.
Căn cứ vào quy trình này, cơ quan kiểm định áp dụng trực tiếp hoặc xây dựng quy trình cụ thể, chi tiết cho từng dạng, loại hệ thống điều chế nạp khí nhưng không được trái với quy định của quy trình này.
2. Tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng
Bao gồm những tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn sau:
– TCVN 6153, 6154,6155 và 6156:1996: Bình chịu áp lực – Yêu cầu kỹ thuật an toàn về thiết kế, kết cấu, chế tạo, lắp đặt, sử dụng, sửa chữa và phương pháp thử.
– TCVN 2622:1995: Phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình – Yêu cầu thiết kế.
– TCVN 4245:1996: Tiêu chuẩn Kỹ thuật an toàn trong sản xuất, sử dụng Oxy, Axetylen .
– TCVN 6290:1997: Chai chứa khí. Chai chứa khí vĩnh cửu- Kiểm tra tại thời điểm nạp khí.
– TCVN 6713:2000: Chai chứa khí. An toàn trong thao tác.
– TCVN 6715:2000: Chai chứa khí Axetylen hoà tan. Kiểm tra tại thời điểm nạp khí.
– TCVN 6008:1995: Thiết bị áp lực – Mối hàn: Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra.
3. Các bước kiểm định
Tiến hành xem xét, kiểm tra kỹ thuật an toàn theo các bước sau:
- Chuẩn bị kiểm định: Mục 3.1
- Kiểm tra hồ sơ: Mục 3.2
- Kiểm tra bên ngoài, bên trong: Mục 3.3
- Kiểm tra độ bền, độ kín: Mục 3.4
- Kiểm tra vận hành: Mục 3.5
Lưu ý:
– Nhà đặt hệ thống điều chế nạp khí phải thoả mãn các yêu cầu thiết kế về phòng cháy chữa cháy và chống sét.
– Các bước kiểm tra tiếp theo chỉ được tiến hành khi kết quả kiểm tra ở bước trước đó đã đạt yêu cầu.
3.1 Chuẩn bị kiểm định
3.1.1. Thông báo cho cơ sở về kế hoạch và các yêu cầu trước khi đưa hệ thống điều chế, nạp khí vào kiểm định.3.1.2. Xác định và thống nhất biện pháp an toàn với cơ sở trước khi kiểm định. Bố trí kiểm định viên tham gia kiểm định. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân, thiết bị kiểm tra cho quá trình kiểm định.
3.1.3 Kiểm tra về phương tiện cứu hộ, bảo vệ cá nhân phục vụ quá trình kiểm định.
3.2 Kiểm tra hồ sơ
Căn cứ vào chế độ kiểm định để kiểm tra, xem xét về hồ sơ của hệ thống điều chế, nạp khí:
3.2.1 Khi kiểm định lần đầu phải xem xét các hồ sơ sau:
a. Hồ sơ xuất xưởng, lý lịch của hệ thống điều chế, nạp khí; bản vẽ nguyên lý làm việc của hệ thống,bản vẽ cấu tạo các thiết bị áp lực trong hệ thống; hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng; các chứng chỉ kiểm tra chất lượng kim loại chế tạo, kim loại hàn, mối hàn.
b. Hồ sơ lắp đặt: Thiết kế lắp đặt, biên bản nghiệm thu tổng thể hệ thống.
c. Quy trình kiểm tra chai trước khi nạp, quy trình nạp; hồ sơ về PCCC.
d. Phiếu kiểm định thiết bị đo lường; biên bản kiểm tra tiếp địa, chống sét; biên bản kiểm tra thiết bị bảo vệ (nếu có).
3.2.2 Khi kiểm định định kỳ phải xem xét các hồ sơ sau:
a. Lý lịch, biên bản kiểm định và phiếu kết quả kiểm định lần trước.
b. Nhật ký vận hành, sổ theo dõi sửa chữa và bảo dưỡng; biên bản thanh tra, kiểm tra (nếu có).
3.2.3 Khi kiểm định bất thường phải xem xét các hồ sơ sau:
Xem xét hồ sơ như kiểm định định kỳ và xem xét bổ sung hồ sơ về sửa chữa; biên bản kiểm tra về chất lượng sửa chữa, thay đổi .
Lưu ý: Khi kiểm tra, hồ sơ của hệ thống điều chế, nạp khí phải đủ và đúng theo quy định của quy chuẩn, TCVN về kỹ thuật an toàn hiện hành. Nếu không đảm bảo, cơ sở phải có biện pháp khắc phục bổ sung.
3.3 Kiểm tra bên ngoài, bên trong
Phải tiến hành kiểm tra bên ngoài, bên trong hệ thống điều chế, nạp khí theo trình tự sau:
3.3.1. Kiểm tra xác định tình trạng kỹ thuật của các thiết bị trong hệ thống điều chế, nạp khí phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành.
3.3.2. Kiểm tra bên ngoài, bên trong các bình chịu áp lực trong hệ thống điều chế, nạp khí tuân thủ theo “ Bình chịu áp lực – Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn“.
3.3.3. Trước khi tiến hành tháo mở, kiểm tra các bộ phận bên trong của hệ thống điều chế, nạp khí, cần xác định chắc chắn thiết bị không còn áp lực dư và nồng độ các chất độc hại, cháy nổ ở trong phạm vi cho phép.
3.3.4. Chú ý kiểm tra các chỗ nứt, rạn, móp, phồng, các chỗ bị gỉ mòn, các hiện tượng bất bình thường trên các bộ phận, chi tiết của hệ thống điều chế, nạp khí.
3.3.5. Kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn của các phụ kiện, dụng cụ đo kiểm. Đặc biệt lưu ý đối với thiết bị kiểm tra mức nạp đối với khí hoá lỏng.
3.3.6. Kiểm tra hệ thống ống dẫn, ống nối môi chất về các điều kiện độ bền, bố trí, lắp đặt theo tiêu chuẩn.
3.3.7. Kiểm tra các chi tiết bắt xiết bị mòn, lỏng, các mối nối cũng như các bộ phận bảo ôn.
3.3.8. Kiểm tra các van khoá, van chặn về số lượng, chủng loại cũng như vị trí lắp đặt theo tiêu chuẩn.
3.3.9. Kiểm tra số lượng van an toàn và các cơ cấu bảo vệ an toàn khác của hệ thống phải đảm bảo theo yêu cầu của tiêu chuẩn.
3.3.10. Trường hợp hệ thống điều chế, nạp khí sử dụng môi chất độc hại hoặc cháy nổ, cần chú ý kiểm tra hệ thống thông gió cho buồng máy nén, các kho chứa và các miệng thoát của van an toàn đảm bảo điều kiện của tiêu chuẩn.
3.3.11. Kiểm tra các hệ thống làm mát cho các chai nạp (nếu có). Kiểm tra dàn nạp và các chi tiết bắt giữ chai trong quá trình nạp. Hệ thống kiểm tra, xác định lượng khí nạp.
3.4 Kiểm tra độ bền, độ kín
3.4.1.Áp suất thử bền, thử kín; môi chất thử; thời gian duy trì áp suất thử bền, thử kín đối với hệ thống điều chế và nạp khí phải tuân thủ quy định của nhà chế tạo.
3.4.2.Đối với hệ thống điều chế và nạp Axetylen, hệ thống điều chế và nạp Oxy: áp suất thử bền, thử kín; môi chất thử; thời gian duy trì áp suất thử bền, thử kín thực hiện theo mục 7 của TCVN 4245:1996.
3.4.3.Phải có biện pháp khống chế sự tác động của thiết bị bảo vệ quá áp và đảm bảo các thiết bị này không bị phá hỏng trong quá trình thử. Trong trường hợp không thực hiện được thì cô lập hoặc được tháo ra thử riêng.
3.4.4.Việc tăng giảm áp suất trong quá trình thử phải tiến hành từ từ đảm bảo không gây nên giãn nở đột ngột làm ảnh hưởng đến các thiết bị trong hệ thống.
3.4.5.Khôi phục sự tác động của thiết bị bảo vệ quá áp, tăng áp suất trở lại để kiểm tra sự tác động và áp suất làm việc của van an toàn.
3.4.6. Đánh giá kết quả thử: Hệ thống được coi là đạt yêu cầu của bước thử này khi các thiết bị,đường ống trong hệ thống không có hiện tượng biến dạng, nứt hoặc rò rỉ môi chất thử trong quá trình thử.
3.4.7. Trong trường hợp hệ thống điều chế, nạp khí được miễn thử thuỷ lực theo quy định của TCVN về kỹ thuật an toàn hiện hành thì phải ghi rõ lý do trong biên bản kiểm định và đính kèm các biên bản nghiệm thử xuất xưởng của hội đồng kỹ thuật của cơ sở chế tạo.
3.5 Thử vận hành
Phải thử khả năng vận hành của hệ thống điều chế, nạp khí theo trình tự sau:
3.5.1. Căn cứ vào quy trình yêu cầu cơ sở đưa hệ thống điều chế, nạp khí vào vận hành.
3.5.1. Kiểm tra hoạt động của hệ thống điều chế, nạp khí đảm bảo các thông số thiết kế.
3.5.2. Kiểm tra trị số tác động của các thiết bị tự động; van an toàn của các cấp nén trên máy nén; van an toàn của dàn nạp khí được hiệu chỉnh với áp suất mở theo quy định của nhà chế tạo.Van an toàn của dàn nạp phải được niêm chì.
3.5.3. Đánh giá kết quả thử: Hệ thống được coi là đạt kết quả khi đảm bảo các thông số làm việc theo quy định của nhà chế tạo.
4. Xử lý kết quả kiểm định
4.1. Lập biên bản kiểm định.
4.1.1. Lập biên bản kiểm định theo mẫu quy định (ban hành kèm theo quy trình này) kèm theo biên bản thử thuỷ lực nêu tại 3.4.9 của quy trình này (khi miễn thử thuỷ lực), ghi đầy đủ các nội dung của biên bản. Ghi rõ tiêu chuẩn đã áp dụng trong quá trình kiểm định.
4.1.2. Ghi tóm tắt kết quả kiểm định vào hồ sơ lý lịch của hệ thống (ghi rõ họ tên kiểm định viên, ngày tháng năm kiểm định).
4.2. Thông qua biên bản kiểm định:
Thành phần tham gia thông qua biên bản kiểm định bắt buộc tối thiểu phải có các thành viên sau:
– Chủ cơ sở hoặc người được chủ cơ sở uỷ quyền;
– Người được giao tham gia chứng kiến kiểm định.
Khi biên bản được thông qua, kiểm định viên, người tham gia chứng kiến kiểm định và chủ cơ sở cùng ký; chủ cơ sở đóng dấu vào biên bản.
4.3. Khi hệ thống điều chế, nạp khí đạt được các yêu cầu quy định tại Mục 3, lãnh đạo cơ quan kiểm định cấp phiếu kết quả kiểm định và biên bản kiểm định cho cơ sở.
4.4. Khi hệ thống không đạt các yêu cầu quy định tại Mục 3 thì thực hiện các bước 4.1 và 4.2 và chỉ cấp cho cơ sở biên bản kiểm định có nêu rõ lý do hệ thống điều chế, nạp khí được kiểm định không đạt.
5. Chu kỳ kiểm định
5.1. Đối với hệ thống điều chế, nạp loại khí không ăn mòn kim loại:
5.1.1. Thực hiện tất cả các bước kiểm định (trừ việc thử bền): 3 năm/lần.
5.1.2. Thực hiện tất cả các bước kiểm định: 6 năm/lần.
5.2. Đối với hệ thống điều chế, nạp khí ăn mòn kim loại: Chu kỳ kiểm định theo quy định như 5.1 nhưng giảm đi 1/3.
5.3. Đối với hệ thống điều chế, nạp loại khí ăn mòn kim loại, độc hại (Clo, Sulfua Hydro…) thực hiện tất cả các bước kiểm định: 2 năm/lần.
5.4. Khi người chế tạo có quy định chu kỳ kiểm định ngắn hơn các quy định chu kỳ kiểm định nêu trên thì theo quy định của nhà chế tạo.
5.5. Khi rút ngắn chu kỳ kiểm định, kiểm định viên phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định.
5.6. Những trường hợp phải kiểm định bất thường:
– Sau sửa chữa có hàn các bộ phận chịu áp lực trong hệ thống.
– Thay đổi vị trí lắp đặt
– Nghỉ hoạt động từ 12 tháng trở lên.
Lưu ý: Khi thay thế các đoạn ống (chế tạo theo dạng lắp nhanh), bình chịu áp lực trong hệ thống mà các phần từ này đã được nghiệm thử xuất xưởng không quá 12 tháng không bắt buộc thử bền toàn hệ thống.
CÔNG TY CỔ PHẦN KIỂM ĐỊNH AN TOÀN THIẾT BỊ CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ Đ/c: 331/ 7 / 9 Phan Huy Ích, P. 14, Q. Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh ĐT: 08 3831 4194 Fax : 08 3831 4193 Email: kiemdinhantoan2008@gmail.com WEB :https://kiemdinhthanhpho.net/ “ KIỂM ĐỊNH AN TOÀN TBCN THÀNH PHỐ – AN TOÀN LÀ TRÊN HẾT “ |